Đảm bảo an toàn cháy nổ cho người dân vui xuân đón Tết
Sở
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) TP Cần Thơ vừa có công văn
về việc triển khai đợt cao điểm đảm bảo an toàn cháy nổ dịp Tết Nguyên
đán Quý Tỵ 2013.
Theo đó, đơn vị mở đợt cao điểm tuyên truyền sâu rộng về công tác
PCCC và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, tổ chức cho các cơ quan, cơ sở, hộ gia đình,
hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, ký cam kết đảm bảo
an toàn cháy nổ. Bên cạnh đó, lực lượng còn tổ chức đợt tổng kiểm tra an toàn
PCCC tập trung các cơ sở trọng điểm về chính trị, văn hóa, các công trình trọng
điểm quốc gia; các cơ sở và địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao… Đồng
thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC, tạm đình chỉ
hoạt động đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về an toàn cháy nổ.
Ngoài ra, Sở Cảnh sát PC&CC TP Cần Thơ còn chủ động xây dựng
các phương án và bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức
năng thường trực, đảm bảo tuyệt đối an toàn PCCC tại các điểm bắn pháo hoa, chợ
Tết, khu vực vui chơi, giải trí, tập trung đông người…
Nguồn:Minh Hoàng /Báo cần Thơ
Bước tiến của ngành Giáo dục Cần Thơ trong giảng dạy môn tiếng Anh
Học sinh đang thảo luận nhóm để chuẩn bị cho một đề tài của Project.
Bước đi mới và thành
quả bước đầu
Nằm trong số 31
tỉnh-thành được Bộ Giáo dục và Đào tạo
(GD&ĐT) chọn thí điểm dạy tiếng Anh theo đề án “Dạy ngoại ngữ trong hệ
thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, năm học 2012-2013, Cần Thơ có 5 trường
tham gia, gồm các trường Trung học cơ sở: Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm
(quận Ninh Kiều), Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), Phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn)
và Bình Thuỷ (quận Bình Thuỷ). Chương trình
thực hiện từ lớp 6.Trừ trường trung học cơ sở Bình Thuỷ chỉ một lớp với
40 học sinh, các trường còn lại 2 lớp.
Tổng số học sinh của 9 lớp là 368. Học
sinh phải thi đầu vào theo đề của Bộ
GD&ĐT, đạt tối thiểu 5 điểm mới được
học. Khi đạt mức điểm này, các em đạt
trình độ tiếng Anh mức độ A1 theo chuẩn ngoại ngữ châu Âu. Chương trình dạy
theo bộ giáo trình tiếng Anh do Nhà xuất
bản Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn xuất
bản giáo dục Pearson xuất bản. Giáo trình
soạn khá công phu, nội dung rèn luyện cho học sinh 4 kỹ năng nghe, nói,
đọc, viết. Để giảng dạy, giáo viên, gồm 18 thầy cô, tất cả đạt trình
độ tiếng Anh mức độ B1 hoặc B2, đã áp dụng
phương pháp dạy tiên tiến, nhằm
giúp học sinh tích cực và sáng tạo trong
học tập. Chương trình thực hiện liên thông từ cấp II lên cấp III. Theo kế
hoạch, học xong bậc trung học phổ thông,
học sinh những lớp thí điểm này sẽ đạt mức độ Anh văn B1 theo chuẩn châu Âu,
nghĩa là các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong sinh hoạt hàng ngày và trao đổi về
những công việc có tính chất đơn giản.
Theo chương trình của
Bộ GD&ĐT, học sinh lớp thí điểm học 3 tiết ngoại ngữ/ tuần, được cấp sách
giáo khoa, sách bài tập. Giáo viên được cấp sách tham khảo. Nhà trường ưu tiên
dành các phương tiện như phòng học, những thiết bị hỗ trợ giảng dạy, giáo viên
còn làm nhiều đồ dùng trực quan để phục vụ việc giảng dạy. Trong số những
trường tham gia thí điểm, trường trung học cơ sở Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều,
với sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, đã kết hợp chương trình này với
chương trình tăng cường theo giáo trình của Nhà xuất bản đại học Oxford, Anh
quốc, học 5 tiết/ tuần. Như vậy học sinh
học 8 tiết Anh văn/ tuần. Chủ trương này đem lại hiệu quả rõ rệt khi giúp học sinh tiếp thu giáo trình của Bộ
GD&ĐT một cách rất nhẹ nhàng.
Để có học sinh đạt
chuẩn đầu vào cho những lớp ngoại ngữ thí điểm này, thời gian qua, Phòng Giáo
dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ đã khuyến khích các trường tiểu
học đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy. Tuỳ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo
viên, các trường có thể dạy từ lớp 1
hoặc lớp 3.Từ năm học 2010-2011, bước đầu triển khai đề án “Dạy ngoại ngữ trong
hệ thống giáo dục quốc dân”, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ triển khai dạy
chương trình thí điểm tiếng Anh 4 tiết/
tuần, bắt đầu từ lớp 3, ở các trường dạy
2 buổi/ngày và đội ngũ giáo viên có năng lực, gồm những trường tiểu học: Ngô Quyền
và An Bình I (quận Ninh Kiều) và tiểu học Thới Hưng I, huyện Cờ Đỏ. Các trường
có thể chọn dạy theo những giáo trình: Family and Friends, Les’ Go, Les’ Learn.
Nhà xuất bản Oxford hỗ trợ tài liệu
giảng dạy, đĩa CD, và nhiều phương tiện phục vụ việc dạy học. Giáo viên được dự
những lớp tập huấn phương pháp dạy của Bộ GD&ĐT. Qua hơn 2 năm triển khai,
đến nay, ngoài 3 trường trên, có thêm 26
trường tiểu học thuộc các quận, huyện tham gia. Cũng như chương trình thí điểm
lớp 6, chương trình thí điểm bậc tiểu học này tập trung rèn luyện cho học sinh 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giúp
các em khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, sinh hoạt; khắc phục những hạn chế trong giảng dạy tiếng
Anh trong nhà trường phổ thông thời gian qua. Với mục tiêu trên, chương trình
thí điểm nhận được sự đồng tình của các Phòng giáo dục, các trường tiểu học cũng
như đông đảo phụ huynh học sinh.Trường tiểu học Ngô Quyền có 37 lớp, gồm 1.463
học sinh. Ngoài 10 lớp tăng cường tiếng Pháp, các lớp còn lại đều học chương
trình Anh văn thí điểm hoặc Anh văn tăng cường 6 tiết/ tuần. Tổ ngoại ngữ có 6 giáo
viên thì 4 người đạt mức độ B1. Hai giáo viên còn lại đang học lớp bồi
dưỡng mức độ A1 và A2 do Sở GD&ĐT tổ chức. Cô Bùi Thị Thanh
Xuân, Phó hiệu trưởng trường, nhận xét : “Chương trình thí điểm này giúp học
sinh rất tiến bộ, các tiết dạy sinh động, học sinh mạnh dạn phát biểu, nhiều em
sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Nhà trường tạo điều kiện cho
những lớp tham gia chương trình đều có
máy chiếu, casette, sắp xếp thời khoá biểu để giáo viên có điều kiện học
các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ.Về chủ trương đưa tiếng Anh dạy từ lớp 1,
cô giáo Nguyễn Ngọc Phương Thảo, tổ trưởng tổ Anh văn, tâm đắc : “Ở lớp 1 và lớp 2, chúng tôi dạy giáo trình Les’ Go, chủ yếu cho học sinh làm quen với tiếng
Anh. Giáo viên tổ chức các tiết dạy nhẹ nhàng, tạo không khí
vui mà học, không gây áp lực trong học tập cho các em. Do được làm quen với
ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy tích cực từ lớp 1 nên khi học lớp 3, các em
rất dạn dĩ, tự tin khi sử dụng tiếng Anh.”.
Với chủ trương đưa
tiếng Anh giảng dạy trong nhà trường như trên, trường tiểu học Ngô Quyền luôn
dẫn đầu cấp tiểu học thành phố về số học sinh đạt giải trong những kỳ thi tiếng
Anh các cấp. Tháng 3/2012, trong kỳ thi Học sinh nói giỏi tiếng Anh toàn quốc
do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội, trường có 2 học sinh nằm trong đội tuyển
của Cần Thơ, cả hai đều đạt giải III. Em Phan Lưu Khánh Hạ, lớp 5.5, một trong
hai học sinh đạt giải, bộc bạch : “Ngoài học ở trường, về nhà em tranh thủ xem
các chương trình phim hoạt hoạ bằng tiếng Anh. Ba em cũng giúp em rèn
kỹ năng nghe nói. Em rất thích
học Anh văn. Cô giáo cho chúng em ca hát, chơi các trò chơi như đoán từ,
đặt câu, em thích nhất là phần sắm vai
theo nội dung bài học. Ai diễn hay, nói lưu loát, cô sẽ khen và thưởng quà”.
Những kết quả bước
đầu đã góp phần đẩy mạnh công tác giảng
dạy tiếng Anh trong trường phổ thông. Ở bậc tiểu học, chương trình thí điểm,
với đầu ra là học sinh học xong tiểu học có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn A1, đã góp phần khắc phục tình trạng dạy tiếng
Anh tràn lan, không có mục tiêu rõ ràng. Bên cạnh đó, chương trình tiếng Anh
thí điểm ở bậc trung học cơ sở cũng giải
được bài toán liên thông, giúp việc giảng dạy môn tiếng Anh mang tính liên tục và có mục tiêu về chất lượng. Theo nhận xét
của các thầy cô, chương trình thí điểm lớp 6 nặng hơn nhiều so với chương trình tiếng Anh hiện hành.
Nhưng với phương pháp dạy tiên tiến và
trình độ của học sinh, nhìn chung, hầu hết các em tiếp thu bài khá tốt. Em Văn
Quốc Thịnh, lớp 6.A2, trường trung học cơ sở
Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, trao đổi : “Trong lớp, cô giáo thường ôn các
từ vựng, tổ chức nhiều trò chơi. Em
thích nhất phần thuyết trình bằng tiếng Anh, đó là phần Project. Chúng em làm
việc theo nhóm, tìm tài liệu soạn bài
theo chủ đề của bài học, rồi thuyết trình trước lớp. Các nhóm khác đóng góp
hoặc chất vấn. Cách làm này tuy hơi vất vả nhưng giúp chúng em rèn luyện kỹ
năng thuyết trình cũng như sử dụng tiếng Anh”.
Để mở rộng chương
trình thí điểm ở cả hai cấp học, Sở GD&ĐT kết hợp trường Đại học Cần Thơ tổ
chức các lớp bồi dưỡng trình độ từ A1 đến B2 cho 322 giáo viên
tiếng Anh. Các lớp học từ thứ 6
đến Chủ nhật hàng tuần, kinh phí do Bộ GD&ĐT tài trợ. Có thể nói, chương
trình thí điểm tiếng Anh do Bộ GD&ĐT triển khai đã có những bước đi khá bài
bản, chặt chẽ.
Những vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, chương
trình thí điểm trên gặp nhiều trở ngại khi muốn vươn đến mục tiêu triển khai
rộng khắp, nhất là bậc tiểu học, ngay những trường tham gia thí điểm dạy 4
tiết/ tuần dù cố gắng nhưng vẫn chưa đủ phương tiện phục vụ giảng dạy, rèn kỹ
năng nghe, nói. Đa số quận huyện ngoại thành không đủ cơ sở vật chất để dạy 2 buổi/ ngày. Nhiều
trường thuộc vùng sâu ở các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, không tuyển được giáo viên tiếng Anh. Ông
Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết :
“Để triển khai đại trà mô hình tiếng Anh 4 tiết/ tuần, chúng tôi đã đưa 90 giáo viên học tại đại học Cần Thơ.
Năm 2013 sẽ đưa đi học số giáo viên còn lại. Tuy nhiên, Cần Thơ cần xây thêm
1.093 phòng học, điều này thật không đơn giản trong tình hình khó khăn chung
hiện nay. Ngoài ra, chương trình yêu cầu
học sinh phải có sách giáo khoa và các đĩa CD,
mỗi bộ gần 200.000 đồng. Số tiền không lớn lắm nhưng có những phụ
huynh không đồng ý đầu tư cho việc học
của con cái nên một số trường cũng gặp
khó khi muốn tham gia chương trình thí điểm”.
Bên cạnh đó, để Đề án “Dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục
quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Chính phủ đạt kết quả, thiết nghĩ, một trong
những yêu cầu cơ bản là Bộ GD&ĐT cần thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh
giá đối với môn ngoại ngữ. Bởi, học sinh
các cấp, ngay cả sinh viên tốt nghiệp đại học, sẽ không thể đạt trình độ giao
tiếp, sử dụng ngoại ngữ như một công cụ, nếu các kỳ thi trong nhà trường và thi
tuyển sinh, nội dung đề thi vẫn đơn giản là kiểm tra vốn từ vựng và văn phạm
của học sinh, qua những thể hiện trên
giấy.
ĐAN PHƯỢNG
Ngành Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ phát động phong trào thi đua năm 2013
Năm
2013 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch số 17/KH/TU ngày 20 tháng 4 năm
2012 của Thành ủy Cần Thơ về việc thực hiện Kết luận số 17-KL/TW ngày 21
tháng 3 năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Xây dựng và
phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước"; năm sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố
Cần Thơ giữa nhiệm kỳ 2010 – 2015 và sơ kết, đánh giá thực hiện kế hoạch
phát triển thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ giai đoạn
2011-2015.
Trên cơ sơ kết quả
đạt được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2012, Sở
Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ phát động phong trào thi đua toàn
ngành năm 2013 với ba nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là: Thi đua hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, góp phần hoàn
thành vượt mức các chỉ tiêu của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
thành phố Cần Thơ thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2013, đóng góp
tích cực trong việc hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Hai là: Đẩy mạnh các hoạt
động thi đua gắn thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
với “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Cần
Thơ chung sức xây dựng nông thôn mới” (tiêu chí số 8 - Bưu điện và tiêu chí số
20 - Cung cấp dịch vụ công).
Ba là: Đổi mới phương pháp,
nâng cao chất lượng, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị thông
tin và truyền thông tổ chức phát động phong trào thi đua theo phân cấp quản lý
gắn với yêu cầu công tác, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Xây
dựng tổ chức Đảng, đoàn thể của cơ quan, đơn vị đạt trong sạch vững mạnh. Đặc
biệt là thực hiện chủ đề năm thi đua cả nước “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về
đích sớm” gắn với chủ đề năm của thành phố “Cải cách hành chính, huy động nguồn
lực, hướng về cơ sở”.
Phát động thi đua
được chia thành 02 đợt: từ tháng 01 đến 30 tháng 6 năm 2013 và từ tháng 7 đến
31 tháng 12 năm 2013 đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị chào mừng các ngày
lễ lớn và các sự kiện trọng đại khác hướng đến kỷ niệm 10 năm thành phố Cần Thơ
trực thuộc Trung ương (02/01/2014).
Từ tính thiết thực
của phong trào thi đua, ngành thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ quyết
tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mới năm 2013.
Tin ảnh: Kim Hân /Tuyết Nga
Hội thảo “Giải pháp Ảo hóa công nghệ thông tin cùng IBM"
Sáng
ngày 07 tháng 3 năm 2013, tại hội trường khách sạn Golf Cần Thơ, Sở
Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ phối hợp với IBM Việt Nam tổ
chức Hội thảo “Giải pháp Ảo hóa công nghệ thông tin cùng IBM”.
aa
Ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo
Trên 150 đại biểu đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân, các Sở, ban
ngành, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học; các trường đại học,
cao đẳng, bệnh viện, công ty dược trên địa bàn thành phố Cần Thơ và một số tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long tham dự hội thảo tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm thực
tiễn về Giải pháp hạ tầng ưu việt cho hệ thống Công nghệ thông tin hiện đại;
các giải pháp Sao lưu phục hồi tối ưu nhất; Xây dựng dịch vụ công với
WebspherePortal và trình diễn công nghệ Pureflex System – cái nhìn cận cảnh; với
mong muốn giới thiệu tới quý cơ quan, tổ
chức khám phá cách đơn giản hóa cơ sở hạ
tầng công nghệ thông tin, với chi phí thấp, hiệu quả cao, quản lý đơn giản, đạt
chuẩn hiệu suất mới.
IBM Việt Nam đã giải đáp thỏa đáng nhiều câu hỏi từ quý đại biểu. Các
nội dung và thông tin từ hội thảo sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt
động, tạo đà tăng trưởng mang tính đột phá cho môi trường công nghệ thông tin
của các tổ chức, địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét